Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ đến ông Đào Hồng Tuyển, tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Đồng Đức Bốn: “Bây giờ không thấy thị Mầu, nhưng con mắt ấy còn lâu mới già”. To cao, rắn chắc, mặt vuông chữ điền, nhưng ấn tượng nhất ở ông Tuyển vẫn là đôi mắt. Lần đầu tiên gặp ông vào cuối năm 1998, thời điểm ông đang “sa lầy” vào dự án Tuần Châu, đôi mắt đó như có lửa, nóng bỏng và quyết liệt.
Năm 1998, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ Đông Nam Á, khi bất động sản trên thị trường toàn cầu sụt giá, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này phá sản hàng loạt. Đó cũng là thời điểm mà ông Tuyển dốc đồng tiền cuối cùng cho dự án Tuần Châu. Không ít người thời đó cho rằng ông là kẻ điên rồ, hoang tưởng. Một kẻ mang ảo mộng dời non lấp biển, cả gan chống trời, huy động hàng chục tỷ đồng xúc đất đá, đổ xuống đại dương mênh mông để làm con đường nối đất liền với đảo Tuần Châu. Không thể hình dung rằng, cuộc đời một con người chưa bao giờ cầm lá bài lại có thể dốc cả sản nghiệp của mình vào một dự án đầy sự may rủi như một con bạc khát nước.
Đổ 80 tỷ đồng xuống biển
Lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng ông Tuyển sinh ra trên đất Quảng Yên - Quảng Ninh. Ông hiểu rõ khá tường tận các vùng miền của vùng Đông Bắc giàu tiềm năng này. Trong gần 2.000 hòn đảo của vịnh Hạ Long, Tuần Châu là đảo duy nhất có dân cư sinh sống. Xã đảo Tuần Châu có diện tích hơn 400ha với hơn 1.500 nhân khẩu. Nhân dân xã đảo chủ yếu sống bằng nghề chài lưới với các phương tiện đánh bắt rất thô sơ. Trên đảo không có điện, nước, giao thông với đất liền rất khó khăn. Sự cách trở về địa lý với đất liền là nguyên nhân chính tạo nên cái nghèo của xã đảo. Trong một lần ghé thăm đảo, ông Tuyển đã phát hiện ra tiềm năng có một không hai của Tuần Châu. Đảo có vị trí thuận lợi cả về đường thuỷ và đường bộ, nằm ngay tại trung tâm di sản thiên nhiên thế giới. Ông Tuyển cho rằng: “Người ta có thể xây một Hà Nội sang bên kia sông Hồng, dịch chuyển TP.HCM về phía Nam, còn Hạ Long, là di sản thế giới thì không thể di chuyển được, bởi phải trải qua hàng triệu năm mới có được di sản đó”. Từ lập luận này, ông quyết tâm khắc phục khoảng cách 2km với đất liền.
Chính sách đổi đất lấy cơ sở hạ tầng của Quảng Ninh đã củng cố thêm cho ông Tuyển ý định đầu tư vào dự án Tuần Châu. Để đắp một con đường nối đất liền với đảo, theo dự toán thời đó, tiến hành trong vòng 3 năm và đầu tư một khoản tiền không dưới 80 tỷ đồng. Tám mươi tỷ đồng là một số tiền mà đối với một doanh nghiệp nhà nước thời bấy giờ còn khó huy động, nói chi đến ông chỉ là một doanh nghiệp tư nhân khiêm nhường, mới nổi. Huy động được 80 tỷ đồng mua đất đá, đổ xuống làn nước biển trong xanh ròng rã trong vòng ba năm khác nào việc dã tràng xe cát.
Năm 1997, thị trường bất động sản suy thoái và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực Đông Nam Á đã làm cho hàng trăm nhà đầu tư nước ngoài lặng lẽ tháo lui khỏi thị trường Việt Nam. Giới đầu tư bất động sản trong nước đang co mình lại chờ thời. Trước những thực tiễn phũ phàng như vậy, ông Tuyển nghĩ: “Cái gì đã rơi xuống đáy rồi sẽ không thể rơi xuống thấp hơn. Sau khi rơi xuống đáy sẽ bắt đầu một chu kỳ mới phát triển với tốc độ cao hơn”. Từ nhận định đó, ông quyết tâm thực hiện dự án.
Trình dự án lên UBND tỉnh Quảng Ninh, ông đạt được thoả thuận: Đầu tư xây dựng con đường hơn 2km nối quốc lộ 18 với Đảo Tuần Châu; đổi lại, ông được quyền sử dụng 98ha đất trên đảo. Con đường vượt biển hai cây số, mặt cắt rộng 25m, với hai làn xe, hành lang cho người đi bộ… Nếu là đường trên đất liền đã là một sự nghiệp đáng kể đối với một doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đằng này lại là con đường “dời non lấp biển” mà có. Trong gần ba năm, hơn 50 chiếc xe tải đã cần mẫn đổ đất đá xuống biển để rồi con đường cứ dài mãi, dài mãi, sau gần 1.000 ngày kiên trì, cùng với hàng triệu mét khối đất đá là hàng chục tỷ đồng chìm ngỉm dưới làn nước biển trong xanh. Đổi lại, con đường đất từ đất liền đã chạm vào đảo.
Ông Tuyển nhớ lại: Năm đầu tiên triển khai dự án là cả một năm thắc thỏm lo âu. Một trận gió mùa, một cơn áp thấp nhiệt đới đều có thể tạo nên những cơn sóng thần nhấn chìm sản nghiệp của ông xuống đại dương mênh mông không sủi tăm. Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng. Có cơ sở sản xuất khi mua giá 1.200 cây vàng, nhưng cần tiền người ta trả 600 cây cũng phải bán. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến xiết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án… lừa đảo. Thế nhưng chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Động viên anh em cho nợ lương mà vẫn kiên trì triển khai dự án. “Bán non” một số lô đất để lấy ngắn nuôi dài nhằm thực hiện đến cùng con đường vượt biển ra đảo.
Ông Tuyển nhớ lại: Năm đầu tiên triển khai dự án là cả một năm thắc thỏm lo âu. Một trận gió mùa, một cơn áp thấp nhiệt đới đều có thể tạo nên những cơn sóng thần nhấn chìm sản nghiệp của ông xuống đại dương mênh mông không sủi tăm. Cuối năm 1998, con đường đã chạm tới đảo, đó cũng là lúc mọi nguồn vốn cạn kiệt, không thể vay mượn được ai, nhà cửa, sản nghiệp đã thế chấp hết để vay vốn ngân hàng. Nhiều thứ bán không có người mua, vì thị trường đã đóng băng. Có cơ sở sản xuất khi mua giá 1.200 cây vàng, nhưng cần tiền người ta trả 600 cây cũng phải bán. Bạn bè xa lánh, mỏi mệt và chán nản tưởng như phải bỏ cuộc dở chừng. Nếu bó tay chỉ có nước là chờ ngân hàng đến xiết nợ rồi vào tù, rồi sẽ được cả nước biết đến như một vụ án… lừa đảo. Thế nhưng chính những lúc đó, nghị lực và bản lĩnh của một doanh nhân như thức tỉnh ông. Động viên anh em cho nợ lương mà vẫn kiên trì triển khai dự án. “Bán non” một số lô đất để lấy ngắn nuôi dài nhằm thực hiện đến cùng con đường vượt biển ra đảo.
Biến Đảo nghèo thành Đảo Ngọc
Tuần Châu đã có đường ra đảo, trở ngại quan trọng nhất đã được khắc phục. Tuy nhiên, làm thế nào để Tuần Châu trở thành một trung tâm du lịch và giải trí có tầm cỡ quốc tế và có khả năng sinh lợi lại là một bài toán không kém phần phức tạp. Từ những khu du lịch nổi tiếng thế giới như Bali (Indonesia), Phukhet, Pataya (Thái Lan), ông Tuyển nghĩ: “Phải làm cho Tuần Châu đẹp hơn, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn và nhân văn hơn”. Vừa đi các nơi để học hỏi kinh nghiệm, tham khảo mô hình, ông Tuyển còn tập hợp quanh mình hàng trăm chuyên gia kỹ thuật trong nước ngày đêm phác thảo các đồ án. Vẫn chưa yên tâm, nghe tin đâu có chuyên gia giỏi, ông cho mời về. Hiện ông có 29 kiến trúc sư người nước ngoài tham gia vào đồ án tổng thể Khu du lịch Tuần Châu.
Một trong những dự án đầu tiên mà Công ty Âu Lạc đầu tư là bãi tắm nhân tạo dài 4 km. Thoạt nghe đã thấy ảo tưởng, bởi cát làm bãi tắm phải chở từ Trà Cổ, cách Tuần Châu gần 200km. Hơn một triệu mét khối cát được vận tải bằng đường biển từ Trà Cổ về Tuần Châu, công trình này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2002. Đến đây, du khách có thể vui chơi thoải mái trên bờ biển thoai thoải với lớp cát trắng Trà Cổ nổi tiếng. Cùng với bãi biển nhân tạo là các trò chơi bãi biển và dưới nước như: bóng chuyền, đá bóng, lướt sóng, nhảy dù trên biển, môtô trượt nước tốc độ cao đem lại cho du khách một kỳ nghỉ khoẻ khoắn, thú vị và đầy ấn tượng.
Một thành công khá độc đáo của ông Tuyển ở Tuần Châu là sự ra đời Vườn ẩm thực Việt Nam. Vườn này được xây dựng theo phong cách riêng của văn hoá ẩm thực Việt Nam, với những ngôi nhà bằng gỗ, mô phỏng kiến trúc cung đình thế kỷ 17 và 18. Với lớp lớp toà ngang dãy dọc, thuỷ đình, hồ cá, ẩn mình bên những gốc đào cổ thụ, rặng thông xanh, dòng suối uốn lượn róc rách, các khu ca múa nhạc dân tộc, sân khấu múa rối nước, đàn nước và thác nước. Vườn ẩm thực với tổng diện tích hơn 20.000 m2 bao gồm 14 căn nhà được chia thành các khu Ngọc Châu, Vườn Đào, Thuỷ Đình, Suối Thiên Thai, có thể phục vụ cùng một lúc 3.000 khách.
Cùng với Câu lạc bộ biểu diễn cá heo và sinh vật biển, Tuần Châu cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống khách sạn, biệt thự với hơn 400 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế 4 sao. Dự kiến, cuối năm nay trên đảo Tuần Châu sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng thêm 500 phòng đạt tiêu chuẩn đón khách quốc tế. Vào ngày 15/4 tới đây, Khu du lịch Tuần Châu sẽ cho khai trương thêm công trình biểu diễn nhạc nước trình diễn bằng laze, chiếu phim trên nước. Trong năm nay, ông dự định sẽ mua thêm ba đôi tàu cao tốc chạy tuyến Hải Nam - Tuần Châu, HongKong - Tuần Châu và Bắc Hải - Tuần Châu. Tuần Châu không còn là xã đảo nghèo mà thực sự là một khu du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.Từ một xã đảo nghèo, mặc dù còn nhiều dự án chưa hoàn thành nhưng ngày nay, Tuần Châu đã mang dáng dấp một “Đảo Ngọc” như tên gọi vốn có của đảo này. Hàng trăm hạng mục công trình được đầu tư từ năm 1997, đến nay có công trình đã thu hồi đủ vốn đầu tư.
Biến 'đảo nghèo' thành đảo Ngọc - ông Tuyển đã làm được một điều phi thường. Điều phi thường đó, không phải người bình thường nào cũng làm được.
“Một bãi chông gai và một biển đau thương”
Bây giờ thì ông Tuyển đã được biết đến như một “chúa đảo”, người đang sở hữu 670ha đất trên “đảo ngọc” Tuần Châu nằm trong quần thể vịnh Hạ Long-di sản thế giới. Giới đầu cơ bất động sản đã làm một phép tính: đất Tuần Châu bỏ rẻ cũng được 10 triệu đồng/m2. Một trăm mét vuông, tương đương một tỷ đồng. Một trăm ngàn mét vuông (10ha), tương đương một ngàn tỷ đồng, nếu ông Tuyển chỉ bán đi một nửa số đất đang thuộc quyền sử dụng của ông, nghĩa là khoảng hơn 300 ha, số tiền thu được sẽ là hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương với 2 tỷ USD. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn tỷ đồng khác đầu tư vào những công trình đồ sộ như nhà biểu diễn cá heo, rạp xiếc, công trình biểu diễn nhạc nước đều đáng giá hàng trăm tỷ đồng. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông là một trong những người giàu nhất Việt Nam.
Tôi hỏi ông: đời doanh nhân, ông đã gặp bao nhiêu trở ngại để có được ngày hôm nay?. “Không thể kể hết, tôi đã vượt qua một bãi chông gai và cả một biển đau thương”, ông Tuyển nói.
... Năm 1969, mới 15 tuổi, Đào Hồng Tuyển đã tham gia đoàn tàu không số đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Đó là thời mà giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau có một sợi tơ mong manh. Ông và những người bạn của mình đã phải “mai táng” nhiều đồng đội trên biển. 25 tuổi, tham gia quân tình nguyện ở Campuchia. Sau khi xuất ngũ, ông đã lăn lộn qua nhiều nghề để lập nghiệp, rồi chuyển sang làm công tác Đoàn, đã từng đảm đương các cương vị: Phó Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm chuyển giao và xuất nhập khẩu công nghệ, Phó chủ tịch Hội phân bón Việt Nam… từng bước tách ra làm ăn rồi thành lập công ty riêng. Sau một thời gian bươn chải trên thương trường và không ít lần nếm mùi thất bại mới được như ngày nay. Hiện nay Tổng công ty Âu Lạc của ông có 7 công ty thành viên với 10.000 lao động.
Để có được dự án Tuần Châu như ngày hôm nay, ngoài dốc hết nguồn lực, huy động vốn từ các nguồn và qua nhiều đêm không ngủ, ông Tuyển còn phải vượt qua hàng trăm cửa ải của hệ thống hành chính mà không có cửa ải nào đơn giản. Ngoài sự quên mình của bản thân, giúp việc ông còn có 20 luật sư làm việc liên tục trong suốt 4 năm. Hiện nay, hồ sơ của các dự án có thể xếp đầy… một gian nhà, thế nhưng vẫn chưa hết điều này tiếng nọ. Mỗi lần công luận có ý kiến lại phải giải trình, lại phải tiếp một số đoàn thanh tra, lại mất nhiều đêm thức trắng.
Tấm thiệp xuân 600 triệu đồng
Một tấm thiệp xuân kích thước 1,6m x 1,2m, bình thường nó chỉ là một bức tranh học trò, chưa tạo được ấn tượng đáng kể nào về nghệ thuật. Tuy nhiên đó là tấm thiệp do thầy trò Trường tiểu học Trần Quốc Toản - Hà Nội làm với thiện chí tặng những người nghèo trong dịp Tết. Ông Tuyển đã mua nó với giá 600 triệu đồng trong đêm hội từ thiện 31/12/2003 trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình. Sau sự kiện này, có người hỏi ông: Phải chăng, vì hiếu thắng mà ông đã “bị hớ” trong vụ bán đấu giá đó?
Ông trả lời: “Hôm đó tôi không muốn thắng và tôi cũng không quan niệm có thắng thua trong sự kiện này. Nhưng nếu làm được một việc gì đó để khơi dậy phong trào vì người nghèo thì tôi sẵn sàng hết mình. Tôi nghĩ rằng nếu các đầu cầu kia muốn thắng tôi sẽ nhường và cũng vẫn gửi tặng UBMTTQ Việt Nam một số tiền tương đương. Đã từng trải qua một thời kỳ hàn vi, tôi chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của người nghèo. Tôi cám ơn hàng trăm em bé của trường Trần Quốc Toản. Các em còn nhỏ mà đã biết suy nghĩ giúp đỡ một bộ phận cộng đồng còn rất nghèo khó'.
Không ai còn nghi ngờ về sự giàu có của ông Tuyển, nhưng ông không muốn nói nhiều về điều đó. Ông cho rằng, điều quan trọng hơn, ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 10.000 công nhân. Cùng với họ là gia đình và những người thân có cơ hội thoát nghèo. Trước khi được khán giả cả nước biết đến qua sự kiện tấm thiệp 600 triệu đồng, ông Tuyển đã đầu tư xây 150 căn nhà cho người nghèo và nhiều hoạt động từ thiện khác. Đó là chưa kể đến hơn một ngàn hộ dân trên đảo Tuần Châu và những vùng lân cận có cơ hội thoát nghèo nhờ những công trình đầu tư của ông. Xin chúc cho ông trẻ mãi không già để làm được nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xoá đói giảm nghèo của đất nước.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.