Chắc không nhiều người FPT biết được rằng TGĐ Trương Gia Bình của chúng ta là bạn học phổ thông cấp 3 với tôi. Hơn thế nữa trong suốt mấy năm học chuyên toán Chu Văn An tôi và Bình ngồi cùng bàn, chỉ có hai người ngồi vào cái bàn ở cuối lớp.
Bài viết này tôi xin về bạn ấy, một người bạn thời phổ thông không chỉ của tôi mà cũng là bạn học của anh em Bùi Bình Thuận (FSM) và Bùi Việt Hà (GĐ trung tâm Đào tạo FPT trước kia), cae bốn chúng tôi cùng một tổ nữa kia. Tất cả chúng tôi là cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An khóa 1970-1973. Câu chuyện bắt đầu từ khi chúng tôi cùng học với nhau khi còn bé.
Thuở học sinh
Chúng tôi học với nhau từ bé, năm lớp 2 (năm học 1964-1965) tại trường Phương Đông. Ngày ấy chúng tôi cùng phố Thợ Nhuộm. Nhà tôi số 91, nhà Gia Bình ở số 86, chính là trụ sở của Sở Y tế HN (bố Bình là bác sỹ Trương Gia Thọ, vốn là một bác sỹ nổi tiếng khi ấy). Tôi không còn nhớ dạo ấy chúng tôi học tập ra sao, ngoại trừ chuyện chơi cá cảnh. Chúng tôi thường cho cá vào lọ và mang đến nhà một bạn để cùng nhau ngắm. Trò được chúng tôi thích thú nhất là chọi cá. Một cặp cá chọi được đưa vào cùng một lọ và chúng đánh nhau cho đến khi ngã ngũ thì chúng tôi lại tách chúng ra. Nhiều khi dùng gương để cho con cá tự đánh với chính nó. Gia Bình cũng tham gia trò chơi cá.
Mới vào học kỳ 2 thì bọn Mỹ ném bom miền Bắc. Thế là chúng tôi chia tay nhau đi sơ tán về nông thôn. Mãi đến năm lớp 8 (cấp 3), chúng tôi mới gặp lại nhau, cùng được học ở lớp 8I trường cấp III Chu Văn An, lớp chuyên Toán HN. Chúng tôi học với nhau cả ba năm cấp 3. Không những thế, năm lớp 9 và năm lớp 10, chúng tôi cùng ngồi bàn cuối lớp, bàn chỉ có tôi và Gia Bình.
Trong lớp có nhiều kiểu học, nhiều trường phái khác nhau. Dân chuyên Toán thường ít chú ý đến môn Văn cũng như các môn xã hội. Gia Bình lại là cánh ham mê môn Văn. Mỗi bài luận Bình bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu hàng đống sách chuyên đề rồi mới bắt tay vào viết. Tôi và nhiều bạn thường sử dụng các tư liệu mà Bình đã mất công tìm kiếm, thậm chí bắt trước cả cách phân tích, bình luận của Bình. Các bài Văn của Bình thường được được tham khảo mẫu khi trả bài. Tôi và nhiều bạn thuộc trường phái khác, lúc nào cũng chỉ say mê với môn Toán. Chưa kể Bình hay nói về Triết học, trình bày các vấn đề dưới góc độ hoặc bằng ngôn ngữ Triết. Hồi đấy tôi chỉ thấy hay hay vì nó khác với những suy nghĩ tư duy thuần Toán, không biết đâu rằng đó chính là biểu hiện của những phẩm chất lãnh đạo mà sau này Bình mới thể hiện rõ.
Bình học toàn diện, thường xếp thứ hạng cao trong lớp. Một phần chữ Bình vào loại đẹp nhất lớp, hồi ấy điểm vở có hệ số 2. Chữ tôi lại xấu nhất lớp, có lần vở Lý được 4 điểm. Tôi chỉ hơn Bình mỗi điểm Toán nên chung cuộc điểm trung bình thường vẫn thấp hơn Bình. Thỉnh thoảng có tháng tôi cũng xếp trên Bình. Thường là tôi, Bùi Việt Hà (giám đốc Trung tâm đào tạo khi xưa của FPT) và Bình được xếp đầu lớp.
Năm lớp 10 chúng tôi học tại nơi sơ tán của huyện Thanh Oai, Hà Tây. Dạo ấy ăn cơm tập thể vàng khè vì ngô nhiều hơn gạo. Có bận sau bữa cơm, nhiều bạn không ăn vì đi đâu đó, nhà bếp còn thừa rất nhiều cơm. Bình nói có muốn xem biểu diễn ăn cơm không, rồi lôi chai xì dầu ra làm 8 bát cơm B52 (một loại bát sắt của bộ đội, to gần bằng hai bát sứ) mà không cần tý thức ăn nào khác, trong sự thán phục tròn xoe mắt của cả lớp vì sức ăn của Bình. Năm ấy Bình sắp 17 tuổi.
Đại học ở Liên Xô
Chúng tôi thi vào đại học kết quả tốt. Cùng với nhiều bạn trong lớp chúng tôi được tập trung lên trường ĐHKT Quân sự trên Vĩnh Phúc. Chúng tôi phải học tiếng Nga và Toán cật lực để sang Liên Xô học luôn vào năm thứ nhất. Hè 1974 hôm rời ga Hàng Cỏ đi tàu sang Trung Quốc tôi nhớ nhiều bạn trong lớp có đến tiễn chúng tôi. Trong số người ra tiễn còn có cả chị Trương Thanh Thanh, chị ấy vừa mới từ Liên Xô về, mắt đỏ hoe tiễn Bình lại sang Liên Xô học. Khi sang Liên Xô, chúng tôi mỗi đứa một nơi. Bình vào học khoa Cơ học trường Tổng hợp Matxcơva, Việt Hà học Toán cùng trường với Bình. Còn tôi học Toán ở Kisinhốp. Chúng tôi hay liên lạc với nhau qua thư từ. Các kỳ nghỉ đông, nghỉ hè tôi hay lên Matxcơva thăm Bình và các bạn cũ 10I. Ở chơi hàng tháng là chuyện thường. Tôi học trượt băng, chơi khúc côn cầu ở sân băng trường tổng hợp Lômônôxốp. Tôi còn nhớ Bình và các bạn hay vặt táo xanh trên đồi Lê Nin để về ăn hoặc nấu canh chua.
Năm 1979 chúng tôi về nước. Bình được chọn làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Tôi về dạy Toán ở ĐHBK HN. Rồi tôi được cử sang Pháp học nghiên cứu sinh. Cuối năm 1986 tôi về nước sau khi tốt nghiệp. Bình đã về từ năm ngoái và lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện cơ, bắt đầu làm kinh tế. Thế rồi một tối đầu mùa hè năm 1988, Bình đến nhà tôi chơi (khi đó tôi ở trong ngõ phố Khâm Thiên). Trên cái sân gác tầng 2 thoáng mát, Bình say sưa nói về máy tính cá nhân và thuyết phục tôi tham gia nhóm của Bình để chuyển máy tính sang Liên Xô. Ngoài sự thân quen rất nhiều năm, Bình nhìn nhận tôi như một chuyên gia Tin học khi đó. Tuần lễ Tin học lần thứ nhất, Bình đến dự với một sự quan sát tìm tòi khác thường. Tôi nhận lời với Bình mặc dù cũng chẳng hiểu mô tê mọi việc sẽ ra sao. Chính Bình đã biến tôi từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay. Đấy là câu chuyện 15 năm trước. Khi ấy chúng tôi mới 32 tuổi.
Ngày 13/09/1988 chúng tôi đón nhận quyết định thành lập FPT do anh Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ Quốc gia ký. Lúc ấy có 13 người sáng lập, con số trở thành một niềm mê tín của FPT (mà cũng bắt nguồn từ Gia Bình).
FPT, những chặng đường
Buổi ban đầu cái tên FPT gắn với công nghệ thực phẩm. VN là một nước nông nghiệp, Bình hy vọng vào các dự án viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này, nó cũng là xuất phát làm các đồ sấy khô của nhóm “Nhiệt và chất”. Nhưng doanh vụ lớn đầu tiên của FPT là đổi máy tính Olivetti lấy các loại hàng của Liên Xô vốn rất quen thuộc với VN thời bao cấp. Có thể nói giai đoạn 1988-1991 là giai đoạn đổi hàng Liên Xô. Giai đoạn này dân Tin học chúng tôi chỉ tham gia hỗ trợ và nhen nhóm những bước đi ban đầu.
Giai đoạn 1991-1994 là giai đoạn tham gia thanh toán với Liên Xô (Nga) cho các công trình thủy điện, đồng thời Tin học đã là một hướng kinh doanh độc lập. Từ 1995 kinh doanh Tin học trở thành chủ đạo, các trung tâm định hướng kinh doanh ra đời trong FPT. Sau 10 năm thành lập năm 1999 FPT chuyển sang toàn cầu hóa với việc tham gia xuất khẩu phần mềm. Năm 2002 chuyển sang công ty cổ phần và thực hiện thống nhất Bắc-Nam. Năm 2003 chuyển sang quy mô tập đoàn với 4 công ty chi nhánh. Sau 15 năm, từ 13 người ban đầu, hôm nay FPT có hơn 1300 cán bộ chính thức (chưa kể số lượng công tác viên, sinh viên và thử việc). Năm 2002 doanh số FPT vượt 100 triệu USD, năm 2003 tăng trưởng dự kiến không nhỏ hơn 70% với sự vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất tại VN.
Ngôi vị thủ lĩnh
Nếu soi nhìn ở góc độ tổ chức, 15 năm qua đã có những mốc quan trọng và luôn gắn chặt với Bình trên cương vị thủ lĩnh của FPT.
Năm 1988 Gia Bình thành lập FPT và đi vào thị trường Liên Xô.
Năm 1992 vượt qua đợt khủng hoảng đầu tiên trong FPT. Có những người tâm huyết và quan trọng đã ra đi, FPT thoát khỏi khủng hoảng trong gang tấc. Có lẽ đây là lúc Bình suy nghĩ nhiều về việc xây dựng một công ty dựa trên những con người tài năng nhưng phải biết đoàn kết cùng mục tiêu, cùng chí hướng.
Năm 1995 FPT thành lập các trung hạch toán theo các hướng kinh doanh tích hợp hệ thống, phân phối, phần mềm. 1998, sau 10 năm thành lập, FPT khẳng định vị trí số một trên thị trường Tin học của các ngành kinh doanh này và cũng là nhà ISP đầu tiên của VN. Trong quãng thời gian này, Bình học hỏi rất nhiều mô hình tổ chức và quản lý của các công ty công nghệ hàng đầu, áp dụng những điểm phù hợp vào FPT. Nổi bật là việc lập và bảo vệ kinh doanh, check point nhân viên và xây dựng một hệ thông tin bảo đảm kiểm soát hiệu quả kinh doanh (Balance và FIFA). Cũng mong muốn những kiến thức quản trị kinh doanh được phổ cập sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp VN mà năm 1995 Bình thành lập khoa Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Quốc gia HN.
Năm 1999 bước vào toàn cầu hóa với khẩu hiệu 528 nổi tiếng, thể hiện một sự lạc quan có phần quá thái. FPT xuất quân sang Ấn Độ, Mỹ, thu nhập những nhân viên nước ngoài. Sự bay bổng cũng đem lại chút sảng khoái và giúp hiểu mặt đất, chỗ đứng của chúng ta được kỹ hơn. FPT cần có những kỹ năng quản trị cao hơn trong giai đoạn mới. Sau một năm làm việc không mệt mỏi, đầu năm 2000 FPT là công ty Tin học đầu tiên của VN đạt chứng chỉ ISO-9001. Năm 2000 triển khai thành công hệ kế toán Solomon theo chuẩn ERP quốc tế, hệ FIFA/MIS của FPT trở thành hệ thông tin doanh nghiệp tốt nhất tại VN.
Sự phát triển liên tục của FPT đòi hỏi thay đổi cơ cấu và trang bị lý thuyết vững chắc hơn về hệ thống doanh nghiệp. Năm 2002 FPT trở thành công ty cổ phần, rồi tập đoàn hóa. Bình tung ra lý thuyết Fractal (tính bất biến của cấu trúc) và Leadership Building (kỹ năng lãnh đạo) và phát động phong trào học tập các lý thuyết này trong FPT. Không nhiều cán bộ FPT hiểu được các lý thuyết này, cũng như vận dụng chúng có kết quả. Liệu lý thuyết đó có luôn đúng hay không, liệu nó có giúp FPT đương đầu được với mọi thách thức? Chúng ta hy vọng năm 2003 này cho những câu trả lời xác đáng với sự tăng trưởng vững chắc trên tất cả các hướng kinh doanh của FPT.
Phẩm chất lãnh đạo
Lãnh đạo FPT trong những năm qua Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian. Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này.
Trước hết Bình nhìn nhận FPT như một nhà nước. Có đối ngoại, đối nội, có thông tin báo chí, có văn hóa, có kinh tế, có tinh thần, có đoàn thanh niên, có phụ nữ, có thiếu niên nhi đồng (FPT Small). Bình học ở quân đội ở cấu trúc Fractal, ở tinh thần chiến tranh nhân dân. Bình thường xuyên tham khảo tư vấn các vị tướng quân đội, trong đó có Bác Văn. Thậm chí Bình học hỏi, quan sát cách dùng người của Bác Hồ. Thậm chí những nguyên lý của âm dương ngũ hành cũng được Bình áp dụng.
Như bất cứ phong trào hay tổ chức nào, việc tập hợp lực lượng, tập hợp các tài năng trong FPT được Bình đặt ưu tiên cao nhất. Xung quanh Bình là cả một đội ngũ cán bộ tâm huyết, cá tính, rất có năng lực và có nhiều thế hệ. Phải nói rằng không có một đội ngũ như thế, FPT cũng không có được những thành tựu như ngày hôm nay. Họ cùng chung một chí hướng: xây dựng một FPT ngày càng phát triển, phát triển không ngừng. Nhiều người biết FPT đã có nhận xét: “Quái, sau bao nhiêu năm bọn chúng (FPT) vẫn ngồi được cùng nhau!”. Chắc hẳn năng lực lãnh đạo và phẩm chất, tài năng của Bình như thế nào mới có được một tập thể như thế. Ở nhiều nơi khác, sự phân rã đã đến ngay khi mới có chút ít thành công.
Bình là một nhà tư tưởng và nhiều khi hơi có phần ngây thơ tin vào các tư tưởng ấy. Ví dụ như 528, như thác số chảy vào VN. Bên cạnh đó có nhiều tư tưởng được minh chứng qua thực tế, ví dụ như gene công ty. Thậm chí Bình mong muốn có được bản đồ gene của FPT. Mấy hôm nay Bình hì hụi phác thảo các chuỗi phân tử đầu tiên của bộ gene này. Có những tư tưởng được chuyển thành lý luận, thành quy trình như Leadership Building, đang được áp dụng có kết quả trong thực tế.
Bình rất ham học hỏi. Từ một nhà khoa học được đào tạo ở môi trường Xô viết, ngày nay Bình là một nhà doanh nghiệp hàng đầu tại VN, cùng nhiều hoạt động xã hội khác. Cách học là qua sách vở, là tự học, là học qua thực tiễn, qua tham khảo các doanh nghiệp, tổ chức khác. Tóm lại học qua bất cứ môi trường nào miễn có kết quả cho FPT. Việc check point là một ví dụ học hỏi từ một doanh nghiệp Mỹ.
Bình có tài thuyết khách. Khi Bình nói về một vấn đề nào đó, tưởng chừng thế giới không thể khác đi được. Nhiều khi người nghe bị thuyết phục không phải vì bản chất của đề tài mà là do cách thức thuyết phục của Bình. Kiến cũng phải bò ra nghe. Nhiều người tin và làm theo, dù nhiều cái Bình nói đâu có đúng, đâu có đơn giản, đâu có dễ thực hiện, họ biết hoặc nghi ngờ nhưng vẫn nghe Bình thuyết phục và làm theo.
Cuối cùng là phẩm chất kiên trì đeo đuổi mục đích đặt ra, xử lý bằng được mọi khó khăn trở ngại, lôi kéo, áp lực mọi người cùng thực hiện. Một phẩm chất mà nhiều nhà lãnh đạo không có.
Rất thích hội hè, với FPT dường như là chưa đủ, Bình còn nhiều đam mê khác. Nào lập trường Quản trị kinh doanh, nào Hội doanh nghiệp trẻ VN (mà Bình có còn trẻ nữa đâu), rồi Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm VN. Đâu Bình cũng nổi trội vai trò dẫn dắt, cũng chủ tịch.
Bạn hỏi tôi rằng, Bình có nhược điểm nào không? Có đấy. Đó là sự cả tin. Cả tin vào một số giá trị không thực tiễn, cả tin vào sự chung lý tưởng, chung mục đích của tất cả nhân viên dưới quyền, cả tin vào một số người mới tiếp xúc. Đôi khi cũng phải trả giá vì sự cả tin ấy. Còn một vài nhược điểm khác nữa nhưng nói ra e làm lạc chủ đề của bài viết.
30 năm trôi qua. Bạn tôi thay đổi rất nhiều. Hy vọng với lớp 10I chúng tôi, sự thay đổi không đáng là bao. Hy vọng với tôi, Bình vẫn là người bạn cùng bàn năm xưa. Và với Thầy chủ nhiệm Đào Thiện Khải, Bình vẫn là một trò ngoan.
Bùi Quang Ngọc, 08/08/2003
Bài viết này tôi xin về bạn ấy, một người bạn thời phổ thông không chỉ của tôi mà cũng là bạn học của anh em Bùi Bình Thuận (FSM) và Bùi Việt Hà (GĐ trung tâm Đào tạo FPT trước kia), cae bốn chúng tôi cùng một tổ nữa kia. Tất cả chúng tôi là cựu học sinh chuyên toán Chu Văn An khóa 1970-1973. Câu chuyện bắt đầu từ khi chúng tôi cùng học với nhau khi còn bé.
Thuở học sinh
Chúng tôi học với nhau từ bé, năm lớp 2 (năm học 1964-1965) tại trường Phương Đông. Ngày ấy chúng tôi cùng phố Thợ Nhuộm. Nhà tôi số 91, nhà Gia Bình ở số 86, chính là trụ sở của Sở Y tế HN (bố Bình là bác sỹ Trương Gia Thọ, vốn là một bác sỹ nổi tiếng khi ấy). Tôi không còn nhớ dạo ấy chúng tôi học tập ra sao, ngoại trừ chuyện chơi cá cảnh. Chúng tôi thường cho cá vào lọ và mang đến nhà một bạn để cùng nhau ngắm. Trò được chúng tôi thích thú nhất là chọi cá. Một cặp cá chọi được đưa vào cùng một lọ và chúng đánh nhau cho đến khi ngã ngũ thì chúng tôi lại tách chúng ra. Nhiều khi dùng gương để cho con cá tự đánh với chính nó. Gia Bình cũng tham gia trò chơi cá.
Mới vào học kỳ 2 thì bọn Mỹ ném bom miền Bắc. Thế là chúng tôi chia tay nhau đi sơ tán về nông thôn. Mãi đến năm lớp 8 (cấp 3), chúng tôi mới gặp lại nhau, cùng được học ở lớp 8I trường cấp III Chu Văn An, lớp chuyên Toán HN. Chúng tôi học với nhau cả ba năm cấp 3. Không những thế, năm lớp 9 và năm lớp 10, chúng tôi cùng ngồi bàn cuối lớp, bàn chỉ có tôi và Gia Bình.
Trong lớp có nhiều kiểu học, nhiều trường phái khác nhau. Dân chuyên Toán thường ít chú ý đến môn Văn cũng như các môn xã hội. Gia Bình lại là cánh ham mê môn Văn. Mỗi bài luận Bình bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu hàng đống sách chuyên đề rồi mới bắt tay vào viết. Tôi và nhiều bạn thường sử dụng các tư liệu mà Bình đã mất công tìm kiếm, thậm chí bắt trước cả cách phân tích, bình luận của Bình. Các bài Văn của Bình thường được được tham khảo mẫu khi trả bài. Tôi và nhiều bạn thuộc trường phái khác, lúc nào cũng chỉ say mê với môn Toán. Chưa kể Bình hay nói về Triết học, trình bày các vấn đề dưới góc độ hoặc bằng ngôn ngữ Triết. Hồi đấy tôi chỉ thấy hay hay vì nó khác với những suy nghĩ tư duy thuần Toán, không biết đâu rằng đó chính là biểu hiện của những phẩm chất lãnh đạo mà sau này Bình mới thể hiện rõ.
Bình học toàn diện, thường xếp thứ hạng cao trong lớp. Một phần chữ Bình vào loại đẹp nhất lớp, hồi ấy điểm vở có hệ số 2. Chữ tôi lại xấu nhất lớp, có lần vở Lý được 4 điểm. Tôi chỉ hơn Bình mỗi điểm Toán nên chung cuộc điểm trung bình thường vẫn thấp hơn Bình. Thỉnh thoảng có tháng tôi cũng xếp trên Bình. Thường là tôi, Bùi Việt Hà (giám đốc Trung tâm đào tạo khi xưa của FPT) và Bình được xếp đầu lớp.
Năm lớp 10 chúng tôi học tại nơi sơ tán của huyện Thanh Oai, Hà Tây. Dạo ấy ăn cơm tập thể vàng khè vì ngô nhiều hơn gạo. Có bận sau bữa cơm, nhiều bạn không ăn vì đi đâu đó, nhà bếp còn thừa rất nhiều cơm. Bình nói có muốn xem biểu diễn ăn cơm không, rồi lôi chai xì dầu ra làm 8 bát cơm B52 (một loại bát sắt của bộ đội, to gần bằng hai bát sứ) mà không cần tý thức ăn nào khác, trong sự thán phục tròn xoe mắt của cả lớp vì sức ăn của Bình. Năm ấy Bình sắp 17 tuổi.
Đại học ở Liên Xô
Chúng tôi thi vào đại học kết quả tốt. Cùng với nhiều bạn trong lớp chúng tôi được tập trung lên trường ĐHKT Quân sự trên Vĩnh Phúc. Chúng tôi phải học tiếng Nga và Toán cật lực để sang Liên Xô học luôn vào năm thứ nhất. Hè 1974 hôm rời ga Hàng Cỏ đi tàu sang Trung Quốc tôi nhớ nhiều bạn trong lớp có đến tiễn chúng tôi. Trong số người ra tiễn còn có cả chị Trương Thanh Thanh, chị ấy vừa mới từ Liên Xô về, mắt đỏ hoe tiễn Bình lại sang Liên Xô học. Khi sang Liên Xô, chúng tôi mỗi đứa một nơi. Bình vào học khoa Cơ học trường Tổng hợp Matxcơva, Việt Hà học Toán cùng trường với Bình. Còn tôi học Toán ở Kisinhốp. Chúng tôi hay liên lạc với nhau qua thư từ. Các kỳ nghỉ đông, nghỉ hè tôi hay lên Matxcơva thăm Bình và các bạn cũ 10I. Ở chơi hàng tháng là chuyện thường. Tôi học trượt băng, chơi khúc côn cầu ở sân băng trường tổng hợp Lômônôxốp. Tôi còn nhớ Bình và các bạn hay vặt táo xanh trên đồi Lê Nin để về ăn hoặc nấu canh chua.
Năm 1979 chúng tôi về nước. Bình được chọn làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Tôi về dạy Toán ở ĐHBK HN. Rồi tôi được cử sang Pháp học nghiên cứu sinh. Cuối năm 1986 tôi về nước sau khi tốt nghiệp. Bình đã về từ năm ngoái và lập nhóm “Nhiệt và chất” ở Viện cơ, bắt đầu làm kinh tế. Thế rồi một tối đầu mùa hè năm 1988, Bình đến nhà tôi chơi (khi đó tôi ở trong ngõ phố Khâm Thiên). Trên cái sân gác tầng 2 thoáng mát, Bình say sưa nói về máy tính cá nhân và thuyết phục tôi tham gia nhóm của Bình để chuyển máy tính sang Liên Xô. Ngoài sự thân quen rất nhiều năm, Bình nhìn nhận tôi như một chuyên gia Tin học khi đó. Tuần lễ Tin học lần thứ nhất, Bình đến dự với một sự quan sát tìm tòi khác thường. Tôi nhận lời với Bình mặc dù cũng chẳng hiểu mô tê mọi việc sẽ ra sao. Chính Bình đã biến tôi từ một giáo viên, một nhà khoa học thành một nhà kinh doanh công nghệ và quản lý doanh nghiệp như hôm nay. Đấy là câu chuyện 15 năm trước. Khi ấy chúng tôi mới 32 tuổi.
Ngày 13/09/1988 chúng tôi đón nhận quyết định thành lập FPT do anh Vũ Đình Cự, Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ Quốc gia ký. Lúc ấy có 13 người sáng lập, con số trở thành một niềm mê tín của FPT (mà cũng bắt nguồn từ Gia Bình).
FPT, những chặng đường
Buổi ban đầu cái tên FPT gắn với công nghệ thực phẩm. VN là một nước nông nghiệp, Bình hy vọng vào các dự án viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này, nó cũng là xuất phát làm các đồ sấy khô của nhóm “Nhiệt và chất”. Nhưng doanh vụ lớn đầu tiên của FPT là đổi máy tính Olivetti lấy các loại hàng của Liên Xô vốn rất quen thuộc với VN thời bao cấp. Có thể nói giai đoạn 1988-1991 là giai đoạn đổi hàng Liên Xô. Giai đoạn này dân Tin học chúng tôi chỉ tham gia hỗ trợ và nhen nhóm những bước đi ban đầu.
Giai đoạn 1991-1994 là giai đoạn tham gia thanh toán với Liên Xô (Nga) cho các công trình thủy điện, đồng thời Tin học đã là một hướng kinh doanh độc lập. Từ 1995 kinh doanh Tin học trở thành chủ đạo, các trung tâm định hướng kinh doanh ra đời trong FPT. Sau 10 năm thành lập năm 1999 FPT chuyển sang toàn cầu hóa với việc tham gia xuất khẩu phần mềm. Năm 2002 chuyển sang công ty cổ phần và thực hiện thống nhất Bắc-Nam. Năm 2003 chuyển sang quy mô tập đoàn với 4 công ty chi nhánh. Sau 15 năm, từ 13 người ban đầu, hôm nay FPT có hơn 1300 cán bộ chính thức (chưa kể số lượng công tác viên, sinh viên và thử việc). Năm 2002 doanh số FPT vượt 100 triệu USD, năm 2003 tăng trưởng dự kiến không nhỏ hơn 70% với sự vươn lên trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất tại VN.
Ngôi vị thủ lĩnh
Nếu soi nhìn ở góc độ tổ chức, 15 năm qua đã có những mốc quan trọng và luôn gắn chặt với Bình trên cương vị thủ lĩnh của FPT.
Năm 1988 Gia Bình thành lập FPT và đi vào thị trường Liên Xô.
Năm 1992 vượt qua đợt khủng hoảng đầu tiên trong FPT. Có những người tâm huyết và quan trọng đã ra đi, FPT thoát khỏi khủng hoảng trong gang tấc. Có lẽ đây là lúc Bình suy nghĩ nhiều về việc xây dựng một công ty dựa trên những con người tài năng nhưng phải biết đoàn kết cùng mục tiêu, cùng chí hướng.
Năm 1995 FPT thành lập các trung hạch toán theo các hướng kinh doanh tích hợp hệ thống, phân phối, phần mềm. 1998, sau 10 năm thành lập, FPT khẳng định vị trí số một trên thị trường Tin học của các ngành kinh doanh này và cũng là nhà ISP đầu tiên của VN. Trong quãng thời gian này, Bình học hỏi rất nhiều mô hình tổ chức và quản lý của các công ty công nghệ hàng đầu, áp dụng những điểm phù hợp vào FPT. Nổi bật là việc lập và bảo vệ kinh doanh, check point nhân viên và xây dựng một hệ thông tin bảo đảm kiểm soát hiệu quả kinh doanh (Balance và FIFA). Cũng mong muốn những kiến thức quản trị kinh doanh được phổ cập sâu rộng hơn trong các doanh nghiệp VN mà năm 1995 Bình thành lập khoa Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Quốc gia HN.
Năm 1999 bước vào toàn cầu hóa với khẩu hiệu 528 nổi tiếng, thể hiện một sự lạc quan có phần quá thái. FPT xuất quân sang Ấn Độ, Mỹ, thu nhập những nhân viên nước ngoài. Sự bay bổng cũng đem lại chút sảng khoái và giúp hiểu mặt đất, chỗ đứng của chúng ta được kỹ hơn. FPT cần có những kỹ năng quản trị cao hơn trong giai đoạn mới. Sau một năm làm việc không mệt mỏi, đầu năm 2000 FPT là công ty Tin học đầu tiên của VN đạt chứng chỉ ISO-9001. Năm 2000 triển khai thành công hệ kế toán Solomon theo chuẩn ERP quốc tế, hệ FIFA/MIS của FPT trở thành hệ thông tin doanh nghiệp tốt nhất tại VN.
Sự phát triển liên tục của FPT đòi hỏi thay đổi cơ cấu và trang bị lý thuyết vững chắc hơn về hệ thống doanh nghiệp. Năm 2002 FPT trở thành công ty cổ phần, rồi tập đoàn hóa. Bình tung ra lý thuyết Fractal (tính bất biến của cấu trúc) và Leadership Building (kỹ năng lãnh đạo) và phát động phong trào học tập các lý thuyết này trong FPT. Không nhiều cán bộ FPT hiểu được các lý thuyết này, cũng như vận dụng chúng có kết quả. Liệu lý thuyết đó có luôn đúng hay không, liệu nó có giúp FPT đương đầu được với mọi thách thức? Chúng ta hy vọng năm 2003 này cho những câu trả lời xác đáng với sự tăng trưởng vững chắc trên tất cả các hướng kinh doanh của FPT.
Phẩm chất lãnh đạo
Lãnh đạo FPT trong những năm qua Bình có niềm tin vững chắc vào những giá trị mà FPT đã tích lũy được theo thời gian. Những giá trị đó rất nhiều cái xuất phát từ những ý tưởng của Bình. Nếu không hiểu FPT, hiểu những chặng đường FPT đã trải qua, thì cũng khó hiểu được những ý tưởng này.
Trước hết Bình nhìn nhận FPT như một nhà nước. Có đối ngoại, đối nội, có thông tin báo chí, có văn hóa, có kinh tế, có tinh thần, có đoàn thanh niên, có phụ nữ, có thiếu niên nhi đồng (FPT Small). Bình học ở quân đội ở cấu trúc Fractal, ở tinh thần chiến tranh nhân dân. Bình thường xuyên tham khảo tư vấn các vị tướng quân đội, trong đó có Bác Văn. Thậm chí Bình học hỏi, quan sát cách dùng người của Bác Hồ. Thậm chí những nguyên lý của âm dương ngũ hành cũng được Bình áp dụng.
Như bất cứ phong trào hay tổ chức nào, việc tập hợp lực lượng, tập hợp các tài năng trong FPT được Bình đặt ưu tiên cao nhất. Xung quanh Bình là cả một đội ngũ cán bộ tâm huyết, cá tính, rất có năng lực và có nhiều thế hệ. Phải nói rằng không có một đội ngũ như thế, FPT cũng không có được những thành tựu như ngày hôm nay. Họ cùng chung một chí hướng: xây dựng một FPT ngày càng phát triển, phát triển không ngừng. Nhiều người biết FPT đã có nhận xét: “Quái, sau bao nhiêu năm bọn chúng (FPT) vẫn ngồi được cùng nhau!”. Chắc hẳn năng lực lãnh đạo và phẩm chất, tài năng của Bình như thế nào mới có được một tập thể như thế. Ở nhiều nơi khác, sự phân rã đã đến ngay khi mới có chút ít thành công.
Bình là một nhà tư tưởng và nhiều khi hơi có phần ngây thơ tin vào các tư tưởng ấy. Ví dụ như 528, như thác số chảy vào VN. Bên cạnh đó có nhiều tư tưởng được minh chứng qua thực tế, ví dụ như gene công ty. Thậm chí Bình mong muốn có được bản đồ gene của FPT. Mấy hôm nay Bình hì hụi phác thảo các chuỗi phân tử đầu tiên của bộ gene này. Có những tư tưởng được chuyển thành lý luận, thành quy trình như Leadership Building, đang được áp dụng có kết quả trong thực tế.
Bình rất ham học hỏi. Từ một nhà khoa học được đào tạo ở môi trường Xô viết, ngày nay Bình là một nhà doanh nghiệp hàng đầu tại VN, cùng nhiều hoạt động xã hội khác. Cách học là qua sách vở, là tự học, là học qua thực tiễn, qua tham khảo các doanh nghiệp, tổ chức khác. Tóm lại học qua bất cứ môi trường nào miễn có kết quả cho FPT. Việc check point là một ví dụ học hỏi từ một doanh nghiệp Mỹ.
Bình có tài thuyết khách. Khi Bình nói về một vấn đề nào đó, tưởng chừng thế giới không thể khác đi được. Nhiều khi người nghe bị thuyết phục không phải vì bản chất của đề tài mà là do cách thức thuyết phục của Bình. Kiến cũng phải bò ra nghe. Nhiều người tin và làm theo, dù nhiều cái Bình nói đâu có đúng, đâu có đơn giản, đâu có dễ thực hiện, họ biết hoặc nghi ngờ nhưng vẫn nghe Bình thuyết phục và làm theo.
Cuối cùng là phẩm chất kiên trì đeo đuổi mục đích đặt ra, xử lý bằng được mọi khó khăn trở ngại, lôi kéo, áp lực mọi người cùng thực hiện. Một phẩm chất mà nhiều nhà lãnh đạo không có.
Rất thích hội hè, với FPT dường như là chưa đủ, Bình còn nhiều đam mê khác. Nào lập trường Quản trị kinh doanh, nào Hội doanh nghiệp trẻ VN (mà Bình có còn trẻ nữa đâu), rồi Hiệp hội các nhà sản xuất phần mềm VN. Đâu Bình cũng nổi trội vai trò dẫn dắt, cũng chủ tịch.
Bạn hỏi tôi rằng, Bình có nhược điểm nào không? Có đấy. Đó là sự cả tin. Cả tin vào một số giá trị không thực tiễn, cả tin vào sự chung lý tưởng, chung mục đích của tất cả nhân viên dưới quyền, cả tin vào một số người mới tiếp xúc. Đôi khi cũng phải trả giá vì sự cả tin ấy. Còn một vài nhược điểm khác nữa nhưng nói ra e làm lạc chủ đề của bài viết.
30 năm trôi qua. Bạn tôi thay đổi rất nhiều. Hy vọng với lớp 10I chúng tôi, sự thay đổi không đáng là bao. Hy vọng với tôi, Bình vẫn là người bạn cùng bàn năm xưa. Và với Thầy chủ nhiệm Đào Thiện Khải, Bình vẫn là một trò ngoan.
Bùi Quang Ngọc, 08/08/2003
(Nguồn sưu tầm)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.