Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011
CEO - Giản Tư Trung - PACE
Con người anh có một ma lực kỳ lạ. Một sức nóng dễ dàng lan toả bầu nhiệt huyết sôi sục sang những người xung quanh. Khả năng tập trung cao độ mọi suy nghĩ của mình về một hướng nhằm biến những điều không thể thành có thể đã đưa anh lên tầm “hiện tượng” xã hội. Anh thường làm những công việc chẳng giống ai. Và cho đến thời điểm này, giấc mơ ngông cuồng nhất của con người kỳ lạ này chính là: một ngày không xa, sẽ xuất khẩu giám đốc Việt Nam ra thế giới!Giản Tư Trung – Anh là ai?
Là ông giám đốc bước chân ra ngõ lên ô tô? Là anh nhân viên quèn với đồng lương ba cọc ba đồng? Là một thợ sơn lao động thủ công? một sinh viên đại học xuất sắc? hay một giảng viên đứng lớp với thù lao cao nhất Việt Nam?... Mọi chức danh đều đúng với Giản Tư Trung bởi anh đã từng kinh qua tất cả các vị trí. Từ thương trường, quan trường đến khoa trường; từ làm chủ đến làm công; từ làm cho Nhà nước, đến làm cho tư nhân, rồi ra nước ngoài học việc... Không có việc gì mà anh chưa từng thử qua, để rồi đến tận bây giờ, khi đã bước qua tuổi băm, trở thành hiệu trưởng một trường đào tạo doanh nhân uy tín, anh vẫn chưa chịu dừng lại...
Giản Tư Trung sinh ra ở một huyện nghèo khó của tỉnh Nghệ An. Mảnh đất học nổi tiếng khắp 3 miền này trở thành một vườn ươm thuận lợi cho Trung phát triển. Thời phổ thông, Trung từng nổi đình nổi đám với Giải Nhất học sinh giỏi lý toàn tỉnh. Nhưng phải đến tận khi bước chân vào đại học, ở vị trí Phó Bí thư đoàn trường, Trung mới phát huy được năng lực của mình. Tham công tiếc việc, Trung ôm đồm cả việc học của mình, việc chung của đoàn thể nhưng vẫn dành thời gian cho niềm đam mê kinh doanh không thể lý giải.
Cái giá của kẻ cầm đèn chạy trước…
Chưa có vốn, Trung lao vào làm búa xua công việc. Từ anh thợ sơn, thợ chụp hình đến anh đi buôn phim cuộn…Đến cuối năm thứ 3, tích cóp được một số vốn kha khá, Trung quyết định ra làm ăn lớn bằng việc thành lập Cơ sở sản xuất nhựa Chợ Lớn.
Không chỗ dựa, không người đỡ đầu, thiếu kinh nghiệm lại hiếu thắng, cơ sở sản xuất của Trung đứng trên bờ vực phá sản. Anh chấp nhận thất bại đầu đời một cách cay đắng. Nhưng thất bại cũng cho Trung một bài học vỡ lòng trên thương trường và anh hiểu: thế nào là kinh doanh!
Cũng may, cơ sở sản xuất nhựa của Trung rồi cũng được vực dậy. Trung thoát khỏi cái bóng ám ảnh mỗi khi thoáng nghe thấy từ “nhựa”. Anh giao lại cơ sở cho một người đồng sự và bắt đầu con đường tầm sư học đạo.
Bỏ vị trí giám đốc, Trung xách cặp làm anh nhân viên tại những tập đoàn hàng đầu thế giới để tìm hiểu sức mạnh thực sự đằng sau những công ty này là gì. Đặt mục tiêu trong 5 năm, làm việc ở 5 công ty với 5 vị trí công việc khác nhau nhưng đến công ty thứ 4, cảm thấy đã làm tạm đủ, Trung bắt tay vào thực hiện tham vọng lớn của mình.
Giấc mơ ngông của con kiến lửa
Từng thất bại, vấp ngã cay đắng rồi giành lại thành công, Trung chưa từng cạn niềm đam mê được là người tiên phong phát quang bụi rậm, “rắn rết”, mở đường đi mới. Quan niệm “nghĩ như voi, làm như kiến” đã khiến Trung vừa có được tầm nhìn xa trông rộng về mọi vấn đề, vừa không bao giờ bị bước hụt chân. Kiên trì đi từng bước chậm rãi, tha từng chút “mồi” về “tổ”, con kiến lửa Giản Tư Trung đã dần dần hiện thực hoá giấc mơ ngông xuất khẩu giám đốc bằng sự ra đời của Trường đào tạo doanh nhân PACE.
Chú trọng giá trị đào tạo thực, phủ nhận sự tồn tại của bằng cấp học vị, chương trình đào tạo của PACE tập trung nâng cấp chất xám cho các giám đốc, các chủ doanh nghiệp. Không chỉ “vá” những mảng trống trong kiến thức của họ, PACE còn xây dựng những viên gạch móng vững chắc trong kiến thức kinh doanh của các doanh nghiệp.
Giáo trình của PACE là minh chứng rõ nhất cho xu thế hội nhập nhưng cũng là bảng vàng thành tích ghi công trạng của Trung và các đồng sự. Tỉ mẩn thuyết phục các trường đào tạo uy tín của nước ngoài cung cấp giáo trình, tỉ mẩn nhặt nhạnh những gì tinh tuý nhất, phù hợp nhất với văn hoá Việt rồi lại tỉ mẩn húc đổ 3 bức tường cực lớn ngăn chất xám đổ vào nước Việt.
Một: Việt hoá giáo trình.
Hai: Rút ngắn thời gian đào tạo mà vẫn đảm bảo chất lượng (Từ 4,5 năm xuống còn 6 tháng).
Ba: Giảm chi phí đào tạo cho khoá học (Từ 100 triệu xuống không đến 1/10).
Cùng các đồng sự của mình, Giản Tư Trung đã thiết kế nhiều sản phẩm giáo dục mới lạ, made in PACE, hầu như chưa có mặt tại Việt Nam. Mỗi sản phẩm của PACE là một trí tuệ riêng, một tư tưởng, một cá tính không thể nhầm lẫn. Đây cũng là những sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất cần và rất thiếu.
Chỉ 4,5 năm sau ngày thành lập, PACE đã tạo được uy tín nhất định và thu hút được hàng ngàn học viên cả trong và ngoài nước tham gia. “Đạo” của PACE đã phát huy được hiệu quả nhất định, ít nhất là đến lúc này.
Những triết lý sống của Giản Tư Trung
* Con người không phải được đánh giá bằng danh vị mà bằng chính những gì mà người đó đã làm được trong cuộc đời
* Đối với tôi, chơi chính là làm những gì mình thích và làm là chơi những gì mà mình không thích. Được làm những gì mình thích là sự hưởng thụ. Tôi tận hưởng điều đó và cảm thấy mình sinh ra là để rong chơi.
*Thước đo sự trưởng thành của một con người là trình độ tư duy nhận thức thức và sự trải nghiệm chứ không phải tuổi tác.
*Tiền là hệ quả chứ không phải mục đích của kinh doanh.
*Đừng cho người con cá, cũng đừng cho họ cần câu. Hãy cho họ động lực muốn được câu cá.
(Nguồn sưu tầm)
Tags: CEO, giám đốc điều hành, con đường thành công.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.